Phải Có Phạm Vi Sự Lý

5/5 - (14 bình chọn)

 PHẢI CÓ PHẠM VI SỰ LÝ

MỚI XÁC ĐỊNH ĐƯỢC ÂM DƯƠNG

(Trích Diễn Đàn Dịch Lý Việt Nam số 2)

Qua các cụm danh từ như: Âm Dương điều hòa, Âm thịnh Dương suy … chúng ta hiểu thế nào là Âm? Thế nào là Dương? Nếu nói: Âm là tối Dương là sáng; Âm là mềm mỏng, Dương là cứng rắn; Âm là nữ, Dương là nam; Âm là lạnh, Dương là nóng… đơn giản cố định như vậy là chưa rốt ráo. Trong thực tế sáng là âm mà cũng là dương, tối là âm mà cũng là dương. Tại sao?

Để xác định tính âm dương của một sự lý ta phải biết rõ phạm vi của sự lý mà ta đang nói đến. Khi bàn về phạm vi “sáng – tối” thì “sáng” được lý là dương, “tối” được lý là âm. Còn về phạm vi “sáng – sáng hơn” thì “sáng hơn” được lý là dương “sáng” được lý là âm.

Tương tự khi ta so sánh giữa “tối và tối hơn” thì tối được lý là dương , “tối hơn” được lý là âm. Như vậy sáng vừa là âm vừa là dương. Tối vừa là âm vừa là dương tùy theo phạm vi tình lý mà ta đang xét đến.

Âm Dương là hai mặt đối lập của một vấn đề (như đã diễn giải ở đoạn trên), chúng tồn tại cùng lúc với nhau và ban nghĩa cho nhau.

Ví dụ: Ta muốn biết một người là cao hay thấp thì phải có người khác (hoặc một chỉ tiêu quy ước về cao hay thấp) để so sánh. Một người sẽ là cao nếu ta đem so sánh với một người khác thấp hơn nhưng sẽ là thấp nếu ta so sánh với một người cao hơn. Như thế là phẩm chất cao và thấp cùng tồn tại trong một người, ở những phạm vi sự lý khác nhau.

Cũng có thể nói âm dương là hai chiều hướng phát triển của một sự lý, chúng luôn hoán vị cho nhau, sau khi đã phát triển đến cùng cực. Cũng như ta sơn nửa vòng bánh xe màu trắng, sau đó cho xe chạy. Hệ quả là đầu tiên nửa bánh xe màu trắng này sẽ xoay theo chiều hướng đi lên (hoặc đi xuống), khi đã đến cực điểm rồi thì sau đó sẽ xoay theo chiều hướng đi xuống (hoặc đi lên) và cứ thế tiếp diễn mãi. Thuật ngữ Thuần Âm hay Thuần Dương được dùng để diễn đạt trạng thái phát triển đến cùng cực này. Điều đó không có nghĩa là khi nói thuần âm thì sẽ không có dương trong đó mà lúc đó dương đang manh nha khởi phát để dần thay thế cho âm và ngược lại.

Thế giới bên trong và ngoài ta luôn luôn biến đổi không ngừng theo không gian và thời gian mà nguyên nhân là do sự tồn tại và phát triển nhằm duy trì thế bình quân của Âm Dương. Và đó chính là tiền đề cho sự sống động của muôn loài vạn vật vậy.

                                                  Sài Gòn ngày 22 tháng 05 năm 2002
                                          (Ngày 11 tháng 4 năm Nhâm Ngọ giờ Tuất)
                                                              Nguyễn Châu Ngọc

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn
Scroll to Top