5/5 - (22 bình chọn)

Ngũ Hành

(Trích Diễn Đàn Dịch Lý Việt Nam số 06)

NGŨ HÀNH – một học thuyết lớn – tồn tại từ hàng ngàn năm nay. Thiên hạ dù cho có hiểu biết ít nhiều về Ngũ Hành như thế nào đi nữa cũng thường hay bàn luận về Ngũ Hành và rất lấy làm tâm đắc về học thuyết này.

ngu-hanh-tuong-sinh-tuong-khac

Vậy thuyết Ngũ Hành chủ trương về điều gì?

Theo các sách vở tài liệu lưu hành hiện nay Ngũ Hành bao gồm: Kim, Thuỷ, Mộc, Hỏa, Thổ là đại diện cho năm vật chất trên hành tinh này là kim loại, nước, gỗ, lửa, đất. Giữa các Hành có các mối quan hệ tương sinh tương khắc với nhau như:

Các mối quan hệ tương Sinh:

Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hỏa sinh Thổ.

Các mối quan hệ tương Khắc:

Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thủy khắc Hoả, Hỏa khắc Kim.

Nhiều học giả cố công quy nạp vạn vật vào Ngũ Hành rồi căn cứ vào các mối quan hệ của Ngũ Hành để luận Sinh – Khắc, Lợi – Hại làm cho thiên hạ thêm mối ưu tư mỗi khi luận bàn về sinh khắc.

Là người học sơ trí mọn tôi xin được các học giả chỉ giáo cho các vấn đề sau:

Thứ nhất:

Phải chăng trên thế giới này chỉ có năm loại vật chất là: Kim loại, nước, gỗ, lửa và đất được đại diện bằng Ngũ hành tương ứng là Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ? Vậy các vật chất khác như: các chất khí, khí đốt, xăng dầu, cao su, nhựa plastic, thuỷ ngân … thuộc về hành nào? Và khi phân loại thành ngũ hành thì dựa vào tiêu chí nào? Hình dạng? Màu sắc? Tính chất? Nguồn gốc xuất xứ??? Liệu sự phân loại như vậy có nhất quán hay không?

Thứ hai:

Xét về các mối quan hệ của Ngũ hành, đơn cử như Mộc và Hỏa thì tại sao nói là Mộc sinh Hỏa? Vậy Hỏa có sinh Mộc không? [vì cây cối (ví như Mộc) rất cần ánh sáng (ví như Hỏa) để quang hợp tạo ra dưỡng chất nuôi sống cây]. Hơn nữa khi lửa cháy thì gỗ biến thành tro bụi tại sao ta không nói là Hoả khắc Mộc mà lại nói là Kim khắc Mộc?

Thứ ba:

Chúng ta giả sử thuyết Ngũ Hành nói trên là đúng để chúng ta có cơ sở luận về Ngũ Hành Sinh Khắc. Vậy thì có phải được tương Sinh thì tốt và bị tương Khắc thì xấu hay không?

Nhà nọ đang nấu cơm bất chợt một cơn gió ào đến thổi bùng ngọn lửa lên gây ra hoả hoạn. Trong trường hợp này cơn gió đã hà hơi tiếp sức sinh cho lửa, thử hỏi sinh như vậy có lợi không?

Khi luyện kim người ta dùng lửa để làm nóng chảy (Khắc) kim loại sau đó đúc thành các vật dụng hữu ích cho nhân loại. Vậy khắc có thật sự là hại không?

Thật ra sự Sinh Khắc hoàn toàn diễn ra trong vô tư còn tốt hay xấu, lợi hay hại thì lại tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và ước muốn của con người. Cũng đồng thời là Sinh (Khắc) nhưng phù hợp với ước muốn của người này nên cho là tốt, không phù hợp ý muốn của người khác nên cho là xấu.

Nếu thuyết Ngũ Hành chỉ cứng nhắc như đã trình bày ở trên thì nó không phải là đạo trời đất vì nó không bao trùm, lý giải cho tất cả các trường hợp mà chỉ hạn hẹp trong một phạm vi nào đó mà thôi. Và như vậy thuyết ngũ hành chỉ dùng để bàn luận chơi cho vui thôi chứ không mang đến lợi ích thiết thực gì cho nhân loại.

Có phải tiền nhân đã sai lầm khi đặt ra thuyết Ngũ Hành không? Hay là tiền nhân luận về Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ như là “ngón tay chỉ trăng” rồi thiên hạ lại bám víu vào đó, lầm tưởng đó là chân lý.

Vậy thuyết Ngũ Hành mà tiền nhân thật sự muốn nói đến là gì?

                                                                                 Giờ Mùi ngày 27 tháng 4 năm Giáp Thân                                                                                                          Tâm Thanh.                  

NGŨ HÀNH - một học thuyết lớn – tồn tại từ hàng ngàn năm nay. Thiên hạ dù cho có hiểu biết ít nhiều về Ngũ Hành như thế nào đi nữa cũng thường hay bàn luận về Ngũ Hành và rất lấy làm tâm đắc về học thuyết này.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn
Scroll to Top