Hãy Là Người Thầy

Rate this post

“BE EDUCATOR!”: “HÃY LÀ NGƯỜI THẦY!”

(Trích Diễn Đàn Dịch Lý Việt Nam số 07)

 

Ngày 24 tháng Giêng năm Ất Dậu (2005) Thầy Cô Sử đi Đà Lạt về. Thầy kể chuyện nhân ngày 02-3-2005 Thầy Cô cùng trên 80 cựu sinh viên “Thụ Nhân” về thăm “Trường Mẹ” – Viện Đại Học Đà Lạt, Trường Chính Trị Kinh Doanh. Tại giảng đường Spellman cũ, Giáo sư Phó Bá Long thuật lại mẩu chuyện: một giáo sư người Pháp đã tặng cho sinh viên, một món quà tinh thần nhân dịp bế giảng khoá học HBA’56, một câu nói sau cùng làm sinh viên sửng sốt: “Be Educator!” (Hãy làm một người thầy!), vì tất cả đang mong đợi giáo sư trao “bí quyết nghề nghiệp” trước phút hạ san. Riêng Giáo Sư Phó Bá Long lúc đó đã chấn động tâm tư bởi: “Be educator!”. Nay tôi cũng cảm thấy rất đồng cảm với câu nói này.

(Vì vậy nên sau nầy Giáo Sư Phó Bá Long là người mang môn học Quản Trị Kinh Doanh, mà Giáo Sư đã học được tại Trường Đại Học Havard USA, về nước giảng dạy tại Trường Chính Trị Kinh Doanh Viện Đại Học Đà lạt. Giáo Sư cũng là “người Việt Nam đầu tiên” tốt nghiệp ngành học này từ năm 1956 và mang mã số sinh viên thuộc khoá HBA’56. (Havard Bachelor of Art, năm 1956).

Nếu nghĩ sâu xa một chút “Be Educator” không chỉ đơn thuần là làm thầy giáo trong các giảng đường mà còn là thầy giáo trong trường đời, là người khai trí cho thiên hạ dù bất cứ lúc nào và ở đâu. Tiền nhân cũng đã có quan niệm về người thầy như vậy qua câu: “Tam nhân đồng hành hữu ngã sư yên”.

Trong cuộc sống ai cũng phải trải qua những tháng ngày vất vả vì chén cơm manh áo, trong suốt quá trình đó ắt không ít lần chúng ta đã làm trò, làm thầy dù là vô tình hay cố ý. Có người ý thức rất rõ về vai trò của mình như một người thầy giáo, có người lại không.

Cách truyền đạt kiến thức của người thầy giáo trong trường đời không giống như trong trường học, nó không được truyền thụ theo từng chương từng quyển mà được kết tinh dưới dạng các kinh nghiệm. Để có được tri thức đó đôi khi người thầy giáo phải đánh đổi bằng cả cuộc đời của chính mình.

Mục đích lớn nhất của giáo dục không chỉ là truyền đạt những kiến thức, nghề nghiệp để mưu cầu sinh kế mà phải làm sao giáo hoá cho thiên hạ, làm cho thiên hạ ý thức rõ trách nhiệm đối với cha mẹ, anh em, vợ chồng, bạn bè, đất nước, đồng bào, nhân loại, chúng sanh … từ đó có cách hành xử sao cho phải lẽ, mang tính nhân văn và đó cũng là kết quả cuối cùng mà bất cứ người thầy giáo chân chính nào cũng mong muốn đạt đến.

Để làm được điều đó đòi hỏi người thầy giáo phải có đủ Bi – Trí – Dũng, phải có lòng yêu thương đồng bào, nhân loại, chúng sanh … Thầy giáo cần phải có lòng vị tha, luôn mong muốn học trò giỏi hơn thầy, “Đệ tử hơn thầy môn phái hữu duyên”. Như vậy vẫn chưa đủ, người thầy giáo cần phải biết lấy Lý – Luật Đồng – Dị của Tạo hoá làm nền tảng tri thức, lấy Đạo Cực – Manh Nha làm phương pháp giảng dạy. Có như vậy mới có thể hoàn thành nghiệp cả muôn đời – giáo hoá chúng sanh được.

Nhưng không phải ai cũng có thể làm được điều đó, phải là người có khả năng đo trí thiên hạ, thấu hiểu được chiều hướng tâm tư của thiên hạ, lấy ý thiên hạ làm ý mình và đủ can đảm lăn lộn vào trong thiên hạ để giáo hoá chúng sanh. Mục đích cuối cùng là làm sao để thiên hạ có thể giác ngộ được chân lý, để cho cuộc sống được yên vui và có ý nghĩa.

Như vậy trong mọi hoàn cảnh đều có thể làm một thầy giáo được, ngay cả việc tự dạy lấy chính bản thân mình. Làm thầy giáo thật không dễ mà cũng không khó, chỉ cần có tấm lòng thì dù cho đó chỉ là một người thầy bình thường trong trường đời cũng hữu ích cho đồng bào, cho nhân loại đừng nói chi đến các bậc “Lương sư hưng quốc”.

Viết xong giờ Ngọ ngày 30 tháng 2 năm Ất Dậu

Giờ Quải – Đại quá

Tâm Thanh

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn
Scroll to Top