“DĨ HƯ THỤ NHÂN”
MỘT ĐẠO LÝ SỐNG CAO THÂM TRONG DỊCH HỌC
(Trích Diễn Đàn Dịch Lý Việt Nam số 06)
Nếu ai từng đọc qua KINH DỊCH XƯAVÀ NAY đến Phần Lý Giải Danh Ý Tượng Dịch Trạch Sơn HÀM (Quẻ thứ 31 trong Dịch Kinh Đại Toàn) thì sẽ gặp lần đầu tiên và duy nhất câu:
“Quân Tử Dĩ Hư Thụ Nhân”. Tại sao?
Vì Tiền nhân khi viết Kinh Dịch có chủ trương ” nâng Dương nén Âm”, “nâng quân tử, hạ tiểu nhân”. Thường cho quân tử là Dương, tiểu nhân là Âm. Dương thực, Âm hư nên quân tử phải lấy thực làm chính đức. Nay đến quẻ HÀM lại bảo người quân tử lấy hư mà cảm để nhận người, lấy lòng hư mà chịu nhận người . Nếu lấy tư ý thực vào trước làm chủ, tự cho mình là quân tử thì làm gì có được cái cảm ứng tự nhiên mà người tiểu nhân đem lại.
“Có Trời Đất mới có muôn vật. Có muôn vật mới có trai gái. Có trai gái mới có chồng vợ. Có chồng vợ mới có cha mẹ, con cái . Có cha mẹ, co con cái mới có vua tôi. Có vua tôi mới có trên dưới, có trên dưới mới có lễ nghĩa, mới có chỗ yên ổn. Vậy Trời Đất là gốc muôn vật, chồng vợ là đầu mối nhân luân. Vì vậy Đầu Thượng Kinh là Kiền Khôn, đầu Hạ Kinh là HÀM, kế tiếp theo là HẰNG. Kiền Khôn chia làm đạo Trời Đất. Trai gái có giao hợp mới thành chồng vợ, cho nên HÀM và HẰNG đều hai thể hợp lại làm nghĩa chồng vợ”.
“Hàm cảm dã. Vật mà cảm nhau không gì bằng trai gái, nhất là hạng thiếu niên. Hàm giai dã là vô tâm ở cảm, thì chẳng chỗ nào là chẳng cảm”.
“Hàm là quẻ nhu trên cương dưới. Nhu ở trên biến làm cương mà thành Đoài. Cương ở dưới biến ra nhu mà thành Cấn. Âm Dương giao nhau làm ra nghĩa nam nữ giao cảm. Lại Đoài là con gái ở trên, Cấn là trai ở dưới cũng là nhu trên cương dưới, hai khí Âm Dương cảm ứng nhau mà hoà hợp (từ Tượng quẻ ĐỊA THIÊN THÁI biến ra)”.
“Cương nhu lấy chất mà nói. Cảm ứng lấy khí mà nói. Khí của Kiền cảm với Khôn, Khôn ứng đấy mà thành Đoài, ấy là Khôn với Kiền vậy. Khí của Khôn cảm với Kiền, Kiền ứng đấy mà thành Cấn, ấy là Kiền với Khôn vậy. (từ Tượng quẻ THIÊN ĐỊA BỈ ra)”.
“Dĩ hư thụ nhân” lấy lòng trống trải mà tiếp người là vô tư, vô tâm (Tượng Khôn = Hư) sẵn sàng cảm ứng với mọi thực tế khách quan tự nhiên thì mới có được cảm ứng xác thực. Dù ta có đầy dẫy chính thực vẫn phải tạo ra thể hư không trống trải khiếm khuyết để có đường cho thiên hạ đến đóng góp, chia sẻ với mình. Ta khéo cho người thấy biết chỗ thiếu thốn, khiếm khuyết, trống trải, hư không của ta bằng câu: “Nhân Vô Thập Toàn”.
May thay tiền nhân đã thấu hiểu được lẽ mầu nhiệm của trời đất lại khéo léo truyền đạt lại cho hậu thế dưới hình thức một nhân sinh quan gói gọn có mấy chữ trong quẻ HÀM. Thật đáng kính phục thay cho tiền nhân đã lao tâm lao lực vì hậu thế, đã một lần dám vượt kinh điển để dạy cho người quân tử biết quyền biến.
Thiên hạ đa số không thấu đạt lẽ huyền vi diệu dụng này cho nên luôn luôn cầu toàn, cứ muốn cho cái gì cũng thật hoàn hảo và chính vì quan điểm đó nên thiên hạ thường hay tự chuốc lấy phiền não.
Sự viên mãn đó có thực sự hiện hữu và cần thiết không?
Trong nghệ thuật, nghệ nhân luôn cố tạo ra một sự phá cách, cố ý làm cho tác phẩm hơi thiếu cân đối môt chút, khác thường một chút. Sự thiếu cân đối đó sẽ làm cho tác phẩm nghệ thuật trở nên thật hơn, sống động hơn và dễ đi vào lòng người hơn. Tại sao lại như vậy? Khán giả sẽ nhận ra điều đó, chính họ sẽ là người bình phẩm, góp ý kiến là nên điều chỉnh lại như thế nào. Họ có cơ hội để tham gia vào nghệ thuật và qua đó họ sẽ nhận thấy rằng họ cũng am hiểu nghệ thuật, có khả năng sáng tạo nghệ thuật. Chính điều tâm đắc đó làm cho họ dễ đồng cảm hơn với nghệ nhân. Họ có biết đâu đó cũng có thể là ý muốn của chính nghệ nhân.…
Cũng vậy, một nền khoa học kỹ thuật phát triển đến đỉnh cao sẽ làm thui chột các tài năng thế hệ sau đó, vì họ chẳng còn gì nữa để mà phát minh. Phần việc còn lại nếu có chỉ là ứng dụng các thành tựu khoa học vào cuộc sống mà thôi.
Vạn hữu luôn biến động, biến đổi, biến hoá mà tác nhân chính là do sự khiếm khuyết và nhu cầu bổ khuyết của bản thân vạn hữu. Nếu vạn hữu đều là chỉnh thể hoàn hảo thì sẽ không cần và không có sự tương tác với môi trường, thế giới sẽ không có sự vận động, và sẽ trông giống như là một bức tranh vẽ tĩnh vật tẻ ngắt.
Chúng ta đang sống và làm việc trên quả địa cầu mà chính bản thân nó cũng không trọn vẹn, chỗ thì lồi, chỗ thì lõm, chỗ thì biển cả bao la, chỗ thì núi cao chót vót… nhưng chính sự khiếm khuyết đó lại rất diệu dụng, nó chứa đựng cả sự quân bình sinh hoá cho muôn loài. Vậy tại sao chúng ta lại đòi hỏi sự viên mãn trong khi chúng ta lại đang sống trên chính quả địa cầu chưa bao giờ “cầu toàn” cả?
Hơn ai hết Tiền nhân thấu hiểu rất tường tận đạo lý này nên khi làm gì cũng phải đo trí thiên hạ trước, sau đó mới quyết định làm những việc gì, làm như thế nào, và cái gì phải để dành cho hậu thế…..Tiền nhân chỉ cắm mốc cho hậu thế nương theo để tự mình khám phá ra sự mới lạ mà Tiền nhân đã kinh qua. Có như vậy hậu thế mới có thể phát huy được tài năng của mình.
“Dĩ hư thụ nhân”, không cứ phải là người quân tử mới biết khéo vận dụng ý muốn của thiên hạ là cầu toàn: tức áp dụng đúng theo luật “Âm Dương cung cầu thừa thiếu” để chiêu nạp anh hùng. Tiền nhân xưa nay đã khéo vận dụng đạo lý này như một nghệ thuật đối nhân xử thế để hành đạo mà có mấy ai biết. Nên có câu: “Thành sự biết đâu người tài trí?!”. Còn chúng ta thì sao??
Viết xong giờ Hợi ngày 18 tháng Chạp năm Giáp Thân
Quẻ Bí – Di
Tâm thanh