CẦN CHĂNG CÓ SỰ CHUYÊN CHÍNH TRONG HỌC TẬP?
(Trích Diễn Đàn Dịch Lý Việt Nam số 07)
Vạn người thi thì chỉ có trăm người đỗ và họa may chỉ có vài người thành đạt.
Cùng học một thầy, cùng chung một mái trường tại sao kết quả lại khác nhau nhiều đến vậy?
Có người học vì sự hấp dẫn của chính nội dung môn học, có người học theo phong trào cũng có người học để mưu cầu danh lợi …
Có người rất ham học, môn gì cũng học, nghe tiếng thầy nào hay cũng tìm đến bái sư cho bằng được. Nghe ai bàn về vấn đề gì thì cũng đều có thể góp ý kiến vào được nhưng khi bắt tay vào việc thì lúng ta lúng túng không thể giải quyết chuyện gì được. Với loại học giả như vậy có thể ví như là con mọt sách không hơn không kém.
Có người lại quá cực đoan khi đã sùng bái một môn học nào rồi thì quay lại bài bác các môn học khác. Đến khi bước vào đời thì cứ khập khà khập khiễng không làm được chuyện gì khác ngoài sở học của mình. Như vậy cũng không thể tự sinh tồn trong trường đời vốn có nhiều éo le trắc trở.
Thêm nữa, đa phần thiên hạ thường thiếu sự kiên nhẫn trong quá trình nghiên cứu. Chỉ mới học được dăm ba chữ thì đã nghĩ rằng mình đã thông suốt môn học, đến khi áp dụng vào thực tế không được thì nghĩ rằng môn học đó còn khiếm khuyết rồi lại tiếp tục khăn gói lên đường tầm sư học đạo.
Vậy phải học như thế nào cho đúng cách?
Có nên chăng chọn một môn học nào đó mà mình xét thấy là xứng đáng để làm chủ đạo rồi nghiên cứu cho thật thấu đáo. Sau đó nghiên cứu thêm các môn khác để lấy kiến thức làm tư liệu để biện minh, chứng nghiệm nhằm củng cố thêm cho tinh thần môn học chủ lực.
Học thì phải cho thật rộng, nghiên cứu thì phải cho thật sâu. Đến khi sử dụng thì không nên trải rộng ra quá mà phải chuyên sâu vận dụng kiến thức nào có liên quan trực tiếp đến vấn đề đang diễn ra. Có như vậy mới có thể tập trung trí lực giải quyết vấn đề một cách gãy gọn được.
Muốn có khả năng thu phát như vậy thì cần phải có một sự chuyên chính trong quá trình học. Sự chuyên chính được nói đến đây là một sự chuyên tâm cao độ vào một môn học nào đó, thậm chí không được đọc tài liệu viết về các môn học khác để có thể đảm bảo cho quá trình học đó xuyên suốt và đảm bảo cho tinh thần môn học được trọn vẹn, không bị thiên nhiễm. Khi đã có được căn cơ vững chắc rồi thì dù cho có bị nhồi sọ, tinh thần môn học cũng không bị lung lay.
Người trí biết sử dụng kiến thức của thiên hạ để đúc kết thành kiến thức của riêng mình. Có như vậy khi vận dụng mới linh hoạt, bằng không sẽ bị rập khuôn, cứng nhắc nếu khi áp dụng có may mắn thành công được thì cũng không hoàn toàn như ý.
Riêng môn học về chân lý thì cần phải có sự vô tư không thiên nhiễm, không vì danh – lợi – tình. Học chân lý thì mục đích cuối cùng cũng vì sự đắc dụng cho chính bản thân học giả, nhưng nếu quá thiên về danh – lợi – tình thì không thể đạt đến cảnh giới cao nhất, bất quá chỉ là những thuật sĩ giang hồ chớ không thể là nhà chân tri được. “Bất phạ văn nhân tục, khủng phạ tục nhân văn” (Không sợ khách văn chương thành phàm tục, chỉ sợ kẻ phàm tục làm văn chương).
Đây mới chỉ nói người có quyền chọn môn học, chứ chưa nói môn học tự nó chọn người. Như trong Dịch Y Đạo Hành Chỉ, sau khi kể Tám Tội của Thầy Thuốc, Y Tổ Hải Thượng Lãn Ông đã kết luận: ” Như vậy, thời làm thuốc trị bịnh nếu không phải là người có Nhân, có Đức, có Trí khôn, có độ lượng, có thành thật, có thanh liêm, có chăm chỉ thì vẫn không thể làm được”.
Chúng nhân ai cũng có thể học Dịch, nhưng để xứng danh là một Dịch Học Sĩ, Dịch Lý Sĩ, một Dịch Nhân ắt không chỉ có ý muốn là được.
Viết xong giờ Hợi ngày 21 tháng Chạp năm Giáp Thân.
Giờ Khốn – Tụng
Tâm Thanh DỊCH HỌC SĨ